Chương trình hỏi đáp: Học cùng chuyên gia số 12.

Đăng ngày 05 Tháng Mười, 2021 bởi admin

Chương trình HỌC CÙNG CHUYÊN GIA số 12 với chủ đề “Phục hồi chức năng cho bệnh nhân thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng” của TTND.PGS.TS.BSCKII. Hà Hoàng Kiệm đã tổ chức thành công. Do thời lượng chương trình có hạn nên rất nhiều câu hỏi của anh chị học viên không được giải đáp. Vậy nên, sau chương trình thầy Hà Hoàng Kiệm đã giải đáp các câu hỏi được gửi về cho chương trình qua bài viết này.

chuong trinh hoc cung chuyen gia - Chương trình hỏi đáp: Học cùng chuyên gia số 12.

1. Vũ Cao Điền – Phòng khám đa khoa Nam Âu.

Hỏi: Rất mong thầy chia sẻ thêm về những bệnh nhân chụp MRI cột sống thắt lưng có tăng tín hiệu trên chuỗi xung STIR (nguyên nhân thường gặp ngoài chấn thương, điều trị). Xin thầy chia sẻ thêm về điều trị corticoid tại chỗ trong bệnh lý thoát vị đĩa đệm, hiệu quả của tiêm trong điều trị cột sống thắt lưng.
Trả lời: Chuỗi xung STIR và chuỗi xung SPIR là những chuỗi xung xóa mỡ của ảnh T1W để làm giảm tín hiệu quá sáng của mỡ, thường được dùng trong 3 trường hợp:
♦ Khi tiêm thuốc đối quang từ, xóa mỡ giúp cho mô ngấm thuốc xuất hiện nổi bật.
♦ Khi muốn phát hiện phù nề trong phần mềm, nơi có nhiều mỡ, xóa mỡ làm cho tín hiệu nổi bật.
♦ Khi tổn thương nghi ngờ là mỡ, muốn chẩn đoán xác định cần dùng chuỗi xung này, nếu là mỡ thì tổn thương sẽ mất đi.
Trường hợp em nêu ra không rõ bệnh nhân có được tiêm thuốc đối quang từ hay không, nếu có tiêm thuốc thì đó là tổn thương ngấm thuốc. Nếu không tiêm thuốc đối quang từ thì đó là tổ chức phù nề.
Điều trị corticoid tại chỗ chỉ định khi bệnh nhân có đau thắt lưng cấp hoặc bán cấp, giúp giảm nhanh viêm và phù nề làm giảm nhanh triệu chứng. Thông thường chỉ tiêm tối đa 5-6 mũi, mỗi lần cách nhau ít nhất 3-4 ngày và phải phối hợp với điều trị toàn thân không dùng đơn độc. Lưu ý các chống chỉ định của corticoid.

2. Trà – Bvvy khoa vinh.

Hỏi: Thời gian dùng NSAID trong trường hợp đau thì kéo dài đc tối đa bao nhiêu lâu ạ? Và có bao giờ phình, lồi, thoát vị mà có trường hợp điều trị xong mà trở về bình thường trên MRI như một số anh chị bên phương pháp nắn chỉnh quảng cáo và cam kết không ạ?
Trả lời: Thời gian dùng thuốc NSAID chỉ nên kéo dài 1 tháng để tránh biến chứng, nếu đỡ chậm thì thường sau 1 tuần phải phối hợp thêm các thuốc khác như corticoid tại chỗ hoặc các thuốc giảm đau bậc 2. Nếu sau 1 tháng chưa khỏi nên nghỉ 1-2 tuần có thể dùng đợt tiếp.
Như thầy đã nói trong bài, phương pháp điều trị bảo tồn chỉ tác động vào cơ chế viêm và phù nề, không tác động vào khối thoát vị nên không thể làm giảm khối thoát vị, duy nhất trường hợp chỉ có lồi hoặc phình đĩa đệm (TVĐĐ độ 1) dùng phương pháp kéo giãn có thể thu hồi bớt lồi nhưng rất ít. Muốn làm mất hoặc giảm khối thoát vị thì phải dùng biện pháp can thiệp hoặc phẫu thuật. Nói nắn chỉnh làm thoát vị về bình thường trên MRI là không đúng.

3. Nguyễn Thị Xuân – Bệnh viện Sơn Tây.

Hỏi: Thưa thầy em xin được hỏi bệnh nhân loãng xương nhưng chưa có gãy xương có chống chỉ định kéo giãn không ạ. Nếu có thì chỉ số Tscore bao nhiêu thì có thể cân nhắc kéo giãn ạ?
Trả lời:
Loãng xương được chẩn đoán khi Tscore nhỏ hơn hoặc bằng – 2,5. Khi có loãng xương là chống chỉ định kéo giãn không chờ đến bệnh nhân gãy xương.
Hỏi: Phan Xuân Văn – Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn: “Cho em hỏi, bệnh nhân đang đau thắt lưng cấp thì có chỉ định kéo giãn cột sống thắt lưng không ạ? Bệnh nhân đã phẫu thuật lấy nhân nhầy nhưng vẫn còn đau lưng thì có chỉ định kéo cột sống không ạ?”
Trả lời: Bệnh nhân đang đau thắt lưng cấp và sau phẫu thuật lấy nhân nhầy thì chống chỉ định kéo giãn.

4. Xuân Nguyệt

Hỏi: Cho em hỏi lực kéo cột sống tối thiểu và thời gian tối thiểu để có kết quả thu nhỏ khối thoát vị ạ?
Trả lời: Với cột sống thắt lưng, lực nền bằng 50% trọng lượng cơ thể và không cần thay đổi trong quá trình kéo. Lực kéo tối đa không quá 70% trọng lượng cơ thể, lúc đầu nên kéo thấp hơn lực kéo tối đa 5-7kg, sau đó mỗi ngày tăng 1kg, khi đạt lực kéo tối đa thì duy trì ở lực này cho đến hết đợt. Mỗi lần kéo chỉ nên kéo dài 20 phút. Tuy nhiên đây chỉ là mức tương đối dùng cho người có BMI bình thường không có bệnh nền nặng, cần điều chỉnh một chút với người già yếu, người gầy thể lực kém cần giảm lực thấp hơn.

5. Phan Xuân Văn – Bệnh viện ĐKKV Bồng Sơn.

Hỏi: Thầy cho em hỏi bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, sau khi nhập viện và có kéo cột sống khoảng 1-2 lần bệnh nhân xuất hiện liệt 2 chi dưới, bí tiểu. Cho em hỏi kéo cột sống có thể gây ra tình trạng như vậy không, kéo cột sống xong bệnh nhân đứng dậy đi lại ngay có phải là một nguyên nhân gây ra tình trạng đó không ạ?
Trả lời: Nếu không loại trừ được chống chỉ định thì có thể gây ra biến chứng liệt hai chi dưới như em nói, nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác như khối u chẳng hạn, cần phải chụp MRI để xác định, còn sau kéo không cho bệnh nhân nằm nghỉ mà dậy ngay thì có thể gây ra cơn đau thắt lưng cấp chứ không gây liệt được.

6. Mai Thủy Tường Vi – Phòng khám MTT Rehab Clinic.

Hỏi: Thầy cho em hỏi bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ đệm hoặc thay đệm nhân tạo thì sau khi cuộc mổ ổn định có chỉ định kéo được không?
Trả lời: Cả hai trường hợp trên đều chống chỉ định kéo giãn.

7. Phan Thị Thu Hà – Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh.

Hỏi: Thưa thầy cho em hỏi: Vì sao bệnh nhân lành rồi ko bị đau nữa mà trên phim MRI 10 năm vẫn còn hình ảnh thậm chí là nặng hơn ạ?”
Trả lời: Trong bài thầy đã giải thích rồi, khi đĩa đệm đã bị vỡ, nhân nhầy đã thoát qua chỗ vỡ ra ngoài thì chỉ có mổ mới loại đi được còn điều trị bảo tồn nội khoa chỉ có thể làm hết viêm và phù nề do đó hết đau và hết chèn ép (chèn ép là do phù nề) nhưng khối thoát vị vẫn còn chúng chỉ xơ hóa đi mà thôi nên 10 hay 20 năm sau chụp MRI vẫn thấy thoát vị nhưng không có triệu chứng, vì khối không trực tiếp đè ép vào rễ thần kinh, còn nếu khối thoát vị đè ép trực tiếp vào rễ kể cả khi điều trị hết viêm và nề thì triệu chứng chỉ giảm mà không hết được, Vì vậy có một chỉ định phẫu thuật là: khi điều trị đúng phác đồ, đủ thời gian mà không đạt kết quả thì chỉ định mổ.

8. Võ Thị Nhung.

Hỏi: Thầy cho em xin kinh nghiệm điều trị hội chứng thắt lưng ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đã phẫu thuật ạ. Em cảm ơn thầy!
Trả lời: Những bệnh nhân phẫu thuật đã khỏi nhưng một thời gian sau lại đau thắt lưng lại có thể do tổn thương ở đĩa đệm khác hoặc đau do thoái hóa khớp liên mấu. Trường hợp này điều trị như các bệnh nhân chưa mổ nhưng chống chỉ định kéo giãn.

Qua bài viết này, Thầy Hà Hoàng Kiệm đã giải đáp toàn bộ câu hỏi và những thắc mắc của các anh chị họ viên đã gửi về cho chương trình. Để cập nhật thông tin về chương trình HỌC CÙNG CHUYÊN GIA, Anh chị vui lòng theo dõi các kênh truyền thông của thiết bị y tế Hải Minh để cập nhật thông tin:
Tham gia nhóm Zalo “HỌC CÙNG CHUYÊN GIA”: https://zalo.me/g/gawnbj085
Nhấn Like Fanpage: https://www.facebook.com/haiminhtsc.vn
Nhấn Like Group: HỌC CÙNG CHUYÊN GIA VLTL – PHCN: https://www.facebook.com/groups/hoccungchuyengia1
Tải ứng dụng Vrehab trên điện thoại tại: https://vrehab.vn
Đăng ký kênh Youtube: https://www.youtube.com/c/Haiminhtsc
Website: https://haiminhtsc.vn